Các quyền con người được tôn trọng như thế nào trong truyền thống và lịch sử Việt Nam?
Lịch sử thăng trầm, điều kiện sống khắc nghiệt và ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo... đã hun đúc nên những giá trị tinh thần tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, trong đó có tính kiên cường, nhẫn nại, tinh thần nhân ái, độ lượng và vị tha trong đối xử với những người lầm lỗi, ngay cả với những kẻ xâm lược...
Tư tưởng khoan dung, nhân đạo kể trên trước hết thể hiện trong các truyền thuyết và kho tàng thơ ca dân gian của Việt Nam. Những tư tưởng đó còn ảnh hưởng đến cách thức cầm quyền qua các thời đại. Từ thời các vua Hùng dựng nước, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú ý kết hợp giữa “nhân trị” với “pháp trị”, giữa “trị quốc” và “an dân”.
Tư tưởng “lấy dân làm gốc” đã được Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đề cập một cách trực tiếp và gián tiếp từ những thế kỷ XIV, XV... Có lẽ vì vậy mà lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam không có nhiều trang quá tàn bạo, khốc liệt như ở nhiều nước khác trên thế giới mà ngược lại, hầu như ở thời kỳ nào cũng có những ví dụ về tinh thần khoan dung, nhân đạo đối với những kẻ lầm lạc và giặc ngoại xâm.
Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380 - 1442), người thảo Bình Ngô đại cáo, được coi là Bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam (sau Nam quốc sơn hà), mở đầu bằng: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”;
Vào thời kỳ nhà Lý (1010‐1225), bộ Hình thư được ban hành là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử pháp quyền Việt Nam, nội dung của bộ luật thể hiện tính nhân đạo rất cao. Mặc dù được ban hành để bảo vệ quyền lợi của nhà nước phong kiến tập quyền, song theo một số tư liệu, bộ luật này đã bao gồm những quy định nhằm hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền áp bức dân lành của giới quan liêu quý tộc. Bộ luật này còn chứa đựng nhiều quy định giàu tính nhân văn, nhân đạo, chẳng hạn như quy định cấm mua bán và bắt hoàng nam (trẻ em trai) làm nô lệ, không quy định hình phạt tử hình...
Dưới triều Trần (1225‐1400), Hội nghị Diên Hồng (1284) thể hiện một cách đặc biệt sinh động tinh thần “lấy dân làm gốc”. Tư tưởng này sau đó cũng được khắc họa bởi vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (1232‐1300), người trước khi qua đời còn khuyên vua cần quan tâm đến dân, “khoan thư sức dân” để làm “kế sâu rễ bền gốc”. Đặc biệt, tinh thần nhân đạo, nhân văn thời nhà Trần còn được phản ánh qua hình ảnh của nhà vua Trần Nhân Tông (1258‐1308), người được coi là một Phật hoàng, hay qua việc nhà Trần đối xử nhân đạo với tù binh.
Tinh thần khoan dung, nhân đạo ở thời Lê (1428‐1778) được thể hiện ngay trong giai đoạn xây dựng vương triều, qua việc đối xử khoan dung với 10 vạn quân Minh bại trận. Đặc biệt ở thời Lê là bộ Quốc triều hình luật (thế kỷ XV), hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức. Bộ luật này đã kế thừa những giá trị tinh hoa truyền thống về kỹ thuật lập pháp và đặc biệt là tư tưởng nhân đạo của dân tộc, được nhiều
nhà luật học trong và ngoài nước coi là một trong bộ luật chặt chẽ, đầy đủ, tiến bộ nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam, có thể xếp ngang hàng với những bộ luật nổi tiếng trên thế giới. Bộ luật chứa đựng nhiều điều khoản có ý nghĩa khẳng định và bảo vệ các quyền con người, tiêu biểu như: bảo vệ tính mạng, nhân phẩm và tài sản của người dân; bảo vệ người dân khỏi bị nhũng nhiễu bởi giới quan lại, cường hào; bảo vệ những đối tượng yếu thế trong xã hội (những người mồ côi, con nuôi, những kẻ đau ốm không nơi nương tựa, những người goá vợ, goá chồng, tàn tật, nghèo khổ không thể tự mình mưu sống, người chết không có thân nhân...); bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ...
Đến triều đại Tây Sơn, mặc dù chỉ duy trì được vương quyền trong một thời gian ngắn (1789 ‐ 1802), song qua một số chiếu chỉ của Vua Quang Trung như chiếu lên ngôi, chiếu cầu hiền, chiếu khuyến nông, chiếu lập học... cũng cho thấy sự kế thừa tinh thần nhân văn của dân tộc một cách rất rõ nét. Ở triều Nguyễn (1802 ‐ 1945), mặc dù bộ Hoàng triều luật lệ (còn gọi là Bộ luật Gia Long) bị coi là khắc nghiệt, song nhiều vua nhà Nguyễn cũng có những chính sách tiến bộ và phản ánh tinh thần nhân văn, nhân đạo của dân tộc, trong đó có những chính sách chiêu mộ người dân khai khẩn đất hoang mà đã góp phần mở mang bờ cõi cho dân tộc về phía Nam nhiều hơn tất cả các triều đại trước cộng lại...
Tư tưởng về quyền con người xuyên suốt trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam còn thể hiện ở truyền thống dân chủ trong nhiều lĩnh vực, mà tiêu biểu là trong việc quản lý cộng đồng, tuyển dụng và sử dụng nhân tài, trong việc thảo luận và quyết định các công việc quốc gia đại sự. Như vậy, có thể khẳng định dân tộc Việt Nam có truyền thống nhân đạo và tôn trọng con người, nhiều triều đại trong lịch sử đã biết trân trọng ý kiến nhân dân ở những mức độ nhất định.
Theo Sách Hỏi - Đáp về nhân quyền
Danh sách bình luận (0)