Chiếm quyền sử dụng mạng xã hội – Thủ đoạn lừa đảo nguy hiểm
Thời gian vừa qua, hàng loạt các vụ việc điều tra, bắt giữ tội phạm công nghệ cao là hồi chuông cảnh báo cho người sử dụng trên không gian mạng cần hết sức cảnh giác và tích cực phòng tránh những thủ đoạn, cạm bẫy của thể loại tội phạm này.
Tài liệu điều tra của lực lượng công an đã hé mở cho công chúng nhiều thủ đoạn lừa đảo thường được sử dụng trên không gian mạng, theo đó, nhiều vụ lừa đảo đã được thực hiện thông qua việc chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Messenger…).
Trước đây, việc đến trực tiếp làm việc với ngân hàng là phương thức phổ biến được người dân lựa chọn để thực hiện giao dịch. Hiện nay, với sự tiện lợi của dịch vụ Internet Banking cùng với nhu cầu hạn chế tiếp xúc trực tiếp trong mùa dịch Covid-19, nên nhiều khách hàng chuyển sang sử dụng hình thức này. Sự thiếu am hiểu về công nghệ thông tin của nạn nhân tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng đánh cắp thông tin tài khoản rồi chiếm đoạt số tiền lớn.
Thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay được kẻ gian sử dụng là chiếm quyền sử dụng tài khoản xã hội (Facebook, Zalo, Messenger...) của nạn nhân rồi đóng giả chủ tài khoản, viện những lý do cấp thiết để lừa người thân, bạn bè của nạn nhân chuyển tiền gấp qua tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp. Để tránh bị nghi ngờ, các đối tượng thường sử dụng từ ngữ khi nhắn tin giống như chủ tài khoản thường sử dụng. Sau khi người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền qua số tài khoản hoặc cung cấp số thẻ cào điện thoại qua cho chúng thì mới phát hiện mình bị lừa.
Ảnh minh hoạ
Trưởng hợp điển hình mắc vào cạm bẫy trên là chị Huỳnh K.H (SN 1995, ngụ Q.Gò Vấp) bị kẻ gian giả danh tài khoản Facebook của mẹ chị, yêu cầu chuyển 5 triệu đồng rồi chiếm đoạt. Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị P.U (SN 1991, quê Thừa Thiên - Huế) nhận tin nhắn từ tài khoản Facebook của mẹ mình là bà Phan Thị B., nhờ chuyển số tiền 60 triệu đồng qua Internet Banking đến số tài khoản của người lạ. Sau khi chuyển tiền, chị U. gọi điện cho mẹ thông báo thì mới biết mình bị lừa. Mới đây nhất, kẻ gian chiếm tài khoản Facebook cá nhân và giả danh chị ruột của chị Trần Thị M.T (SN 1980, trú tại Quận 2), nhờ chuyển 8,5 triệu đồng đến tài khoản do chúng cung cấp rồi chiếm đoạt.
Điều tra và lật tẩy nhiều chiêu trò lừa đảo bằng công nghệ cao, cơ quan chức năng khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân, người dân cần thực hiện các biện pháp đề phòng, cảnh giác. Trước khi chuyển tiền cho người thân hoặc bạn bè, cần gọi điện cho người đó trước nhằm xác nhận nội dung chuyển tiền, phòng trường hợp đối tượng chiếm đoạt tài khoản xã hội rồi giả mạo người thân, bạn bè để lừa đảo.
Đặc biệt, không được cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN Internet Banking và mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Bởi vì mã OTP chỉ sử dụng cho mục đích xác nhận khi thanh toán, nếu người dân nhận được yêu cầu đăng nhập để nhận tiền mà đòi hỏi phải cung cấp mã OTP thì đều là giả mạo. Mọi thắc mắc, nghi ngờ về thông tin tài khoản cá nhân của mình, người dân cần trực tiếp đến các ngân hàng để được kiểm tra, giải đáp.
Danh sách bình luận (0)