Đảng và Nhà nước Việt Nam có quan điểm như thế nào về nhân quyền?
Thứ nhất: Nhân quyền là giá trị chung của toàn nhân loại.
Quan điểm này được thể hiện trong Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó nêu rõ: "Nhân quyền là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, nhân quyền trở thành giá trị chung của nhân loại".
Ngoài ra, trong bài phát biểu tại Hội nghị Thế giới về nhân quyền lần thứ II tổ chức tại Viên (Áo), tháng 6 năm 1993, Phái đoàn Việt Nam cũng khẳng định: "Nhân quyền là một phạm trù tổng hợp, vừa là "chuẩn mực tuyệt đối" mang tính phổ biến, vừa là "sản phẩm tổng hợp của một quá trình lịch sử lâu dài".
Ảnh minh họa.
Thứ hai: Trong xã hội có phân chia giai cấp đối kháng, khái niệm nhân quyền mang tính giai cấp.
Quan điểm này được thể hiện trong Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó nêu rõ: "Trong xã hội có phân chia giai cấp đối kháng, khái niệm nhân quyền mang tính giai cấp sâu sắc". Cũng liên quan đến vấn đề này, Chỉ thị số 41/2004/CT-TTg ngày 2/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: "... cuộc đấu tranh trên vấn đề nhân quyền là cuộc đấu tranh mang tính giai cấp sâu sắc, sẽ diễn ra liên tục, lâu dài và quyết liệt".
Thứ ba: Nhân quyền vừa có tính phổ biến, vừa có tính đặc thù, phụ thuộc vào truyền thống, đặc điểm và trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.
Quan điểm này được thể hiện trong Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó nêu rõ: "Nhân quyền luôn luôn gắn liền với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Do vậy, không thể áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn, mô thức của nước này cho nước khác".
Ngoài ra, Sách Trắng về thành tựu nhân quyền của Việt Nam cũng khẳng định: "... nhân quyền vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của nhân loại, được ghi trong Hiến chương của Liên hợp quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng", do đó: "... khi tiếp cận và xử lý vấn đề nhân quyền cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế - xã hội, các giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho một quốc gia khác".
Thứ tư: Nhân quyền và quyền dân tộc cơ bản là thống nhất.
Quan điểm này là được thể hiện trong Sách trắng về thành tựu nhân quyền của Việt Nam, trong đó khẳng định: "...quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình".
Thứ năm: Nhân quyền phải được pháp luật quy định.
Quan điểm này được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 của Đảng Cộng Sản Việt Nam, trong đó khẳng định: "Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người..."
Thứ sáu: Quyền không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm.
Quan điểm này được thể hiện trong Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó nêu rõ: "Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, pháp luật. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đồng thời thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích Tổ quốc, của nhân dân".
Ngoài ra, Sách trắng về thành tựu về nhân quyền của Việt Nam cũng khẳng định: "... các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội.
Thứ bảy: Các quyền con người cần được tôn trọng và bảo đảm một cách bình đẳng.
Quan điểm này được thể hiện trong Sách trắng về thành tựu quyền con người của Việt Nam, trong đó khẳng định: "... cần tiếp cận một cách toàn diện tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, trong một tổng thể hài hòa, không được xem nhẹ bất cứ quyền nào.
Đồng thời, các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được đảm bảo và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng… Việc chỉ ưu tiên hoặc tuyệt đối hóa các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự do cá nhân, không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của cả cộng đồng là cách tiếp đề cập phiến diện, không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về nhân quyền”.
Thứ tám: Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trước hết là trách nhiệm của mỗi quốc gia.
Quan điểm này được thể hiện trong Sách trắng về thành tựu nhân quyền của Việt Nam, trong đó nêu rõ: “…. Việc bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc có tính đến hoàn cảnh của mỗi nước để đảm bảo cho người dân được hưởng thụ quyền con người một cách tốt nhất.
Thứ chín: Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người gắn liền với việc bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, bình đẳng và cuộc sống phồn vinh tại mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.
Quan điểm này được thể hiện trong Sách trắng về thành tựu nhân quyền của Việt Nam, trong đó, khẳng định: “Trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau, các quyền con người chỉ có thể được tôn trọng và bảo vệ trong một môi trường hòa bình, an ninh, bình đẳng và phát triển bền vững, trong đó các giá trị nhân bản được tôn trọng và bảo vệ. Cuộc đấu tranh vì các quyền con người cần tiến hành đồng thời với các biện pháp ngăn chặn các cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố, nghèo đói, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia… đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa hòa bình, an ninh, độc lâp và phồn vinh của mọi quốc gia, ngăn cản việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới”.
Ngoài ra, Báo cáo quốc gia kiểm định định kỳ việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam (trình bày tại phiên họp tháng 5/2009 Hội đồng Liên hợp quốc về nhân quyền) cũng khẳng định: “Qua thực tiễn, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hiểu rõ nhân quyền gắn với độc lập, hòa bình, dân chủ và phát triển. Việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định từ khi đất nước thống nhất năm 1975 đến nay là một thành tựu to lớn và cũng là nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ và thực hiện các quyền con người ở Việt Nam. Trong công cuộc đổi mới, những điều chỉnh vĩ mô và các chương trình kinh tế xã hội được chú trọng nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội được chú trọng nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Những kết quả này đã tạo tiền đề cần thiết cho việc thực hiện các quyền của người dân trên mọi lĩnh vực.
Thứ mười: Đối thoại và hợp tác quốc tế là yêu cầu cần thiết, khách quan để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.
Quan điểm này được thể hiện trong Sách trắng về thành tựu nhân quyền của Việt Nam, trong đó khẳng định: “Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa… nên cách tiếp cận về nhân quyền của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp và công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Việt Nam cũng cho rằng không nước nào có quyền sử dụng vấn đề nhân quyền làm công cụ can thiệp và công việc nội bộ của quốc gia, gây đối đầu, gây sức ép chính trị, thâm chí, sử dụng vũ lực hoặc làm điều kiện trong quạn hệ hợp tác kinh tế, thương mại… với nước khác”.
Ngoài ra, trong Báo cáo quốc gia kiểm định định kỳ việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam, Chính phủ Việt Nam khẳng định: “Việt Nam hết sức coi trọng đối thoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền. Đối thoại và hợp tác quốc tế vừa là đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế, vừa giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau; qua đối thoại và hợp tác quốc tế Việt Nam đã giúp bạn bè và cộng đồng quốc tế hiểu hơn về tình hình và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, vừa là cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, bảo đảm tốt hơn các quyền con người ở Việt Nam và đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ nhân quyền trong khu vực và trên thế giới.
Thứ mười một: Bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền là mục tiêu của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là yêu cầu trong xây dựng nhà nước pháp quyền và là động lực cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về quan điểm này, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã từng nhấn mạnh: “Chúng ta phải nhận thức cho thật rõ nhân quyền, nói một cách cụ thể hơn, việc bảo vệ và tăng cường sự hưởng thụ nhân quyền ở nước ta, là sự nghiệp của Đảng ta, của Nhà nước và nhân dân ta. Chúng ta theo đuổi sự nghiệp này vì nó không thể tách rời với mục tiêu của sự nghiệp cách mạng của chúng ta và làm cho mỗi người và mọi người phát triển tự do và toàn diện. Sự nghiệp này phục vụ cho lợi ích của bản thân chúng ta, không phải vì sức ép của bên ngoài. Không nhận thức được điều này sẽ dễ có tư tưởng đối phó, cách làm chiếu lệ và thái độ bao biện”.
Sách Trắng về thành tựu nhân quyền của Việt Nam khẳng định: “Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhà nước Việt Nam khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Mọi chủ trương, đường lối chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người”.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nêu rõ: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là yêu cầu bức thiết của xã hội; Nhà nước phải thể chế hóa và thực hiện có hiệu quả quyền công dân, nhân quyền”.
Ngoài ra, Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ về việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam cũng nêu rằng: “Trải qua lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do, nhân dân Việt Nam trân trọng giá trị thiêng liêng của các quyền con người, trước hết là quyền tân tộc tự quyết, quyền tự do quyết định vận mệnh của mình, quyền được sống trong sự tôn trọng nhân phẩm.
Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau này là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã khắc ghi những quyền này. Qua quá trình hoàn thiện để đáp ứng tình hình đất nước, các bản Hiến pháp năm 1959, 1980 và đặc biệt là Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) không chỉ thừa nhận và bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dân phù hợp với luật pháp quốc tế mà còn khẳng định rõ Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, có trách nhiệm bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân”. Bản báo cáo cũng nêu rõ: “ Nhà nước Việt Nam coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội…”.
Tất cả những điều trên cho thấy, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam coi việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền là mục tiêu của chế độ, là yêu cầu trong xây dựng nhà nước pháp quyền và là động lực cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Danh sách bình luận (0)