Người gây ra bạo lực gia đình phải lao động công ích

Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Chính vì vậy việc đề xuất người gây ra bạo lực gia đình phải lao động công ích là cần thiết nhằm đảm bảo bạo lực không gia tăng.

Người gây ra bạo lực gia đình phải lao động công ích (Ảnh minh họa)

Bạo lực gia đình – Một vấn nạn

Trong xã hội ngày nay, bạo lực gia đình đang ngày càng phát triển và gây nhức nhối trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em.

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời.

Đáng nói, tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và "văn hóa đổ lỗi" là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi phải sống trong gia đình có bạo lực.

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cũng chỉ ra, bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa số phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. 90,4% số trường hợp bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Cần phạt nặng để răn đe

Số liệu thống kê tại Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho thấy, trong giai đoạn 2009-2019, cả nước có 297.498 vụ bạo lực gia đình, trong đó, chỉ có 33.275 vụ mà người gây bạo lực được xử lý. Trong số các vụ việc được xử lý thì biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng chủ yếu (24.523 vụ, chiếm khoảng 73,6%), áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là 977 vụ, các biện pháp giáo dục là 5.532 vụ; tạm giữ xử phạt hành chính là 1.893 vụ và xử lý hình sự chỉ có 350 vụ.

Các số liệu thống kê cho thấy, công tác xử lý vi phạm quy định của pháp luật về bạo lực gia đình được thực hiện tại cộng đồng chủ yếu là góp ý, hòa giải, phê bình tại khu dân cư; phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền; rất ít vụ khởi tố hình sự những vụ cố ý gây thương tích, hành hạ người khác, hủy hoại tài sản, giết người. Các biện pháp xử lý vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình như góp ý, hòa giải, phê bình tại cộng đồng, xử phạt hành chính chưa đảm bảo tính răn đe.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình, giúp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Vì vậy, cần phải quy định rõ ràng hơn những hành vi bị coi là “bạo lực gia đình” và có sự tổng hợp các quy định tại những văn bản pháp luật khác nhau về các hành vi để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả của các quy phạm pháp luật.

Việc có thể loại bỏ chế tài phạt tiền đối với các hành vi bạo lực gia đình và thay vào đó là chế tài lao động công ích mang tính khả thi cao hơn vì nó có ý nghĩa giáo dục tích cực với người có hành vi bạo lực, đồng thời không ảnh hưởng tới quyền lợi của nạn nhân. Hơn nữa, biện pháp này còn giáo dục tích cực đối với những cá nhân khác: họ không muốn hình thức xử phạt công khai, có nhiều người biết tới như vậy, nên sẽ cố gắng tránh bằng cách không thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp này thì cũng thấy đây là biện pháp còn khá mới ở nước ta, nên cũng có thể quy định một cách mềm dẻo, linh hoạt: chỉ áp dụng bắt buộc đối với người có hành vi tái phạm; tính thời gian lao động công ích tương đương với số tiền phạt…Nhưng nếu đã bị áp dụng hình thức xử phạt này thì không được cho phép thay thế bằng phạt tiền để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Vân Anh