“Quyền con người” là gì?

Có nhiều định nghĩa khác nhau về quyền con (human rights), tuy nhiên định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc thường được trích dẫn bởi các nhà nghiên cứu, theo đó:

Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu (universal legal guarantees) có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động (actions) hoặc sự bỏ mặc (omissions) làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép (entitlements) và tự do cơ bản (fundamental freedoms) của con người.

Bên cạnh đó, nhân quyền còn được định nghĩa một cách khái quát là những quyền bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được hưởng thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người.

Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, các định nghĩa về quyền con người do một số chuyên gia, cơ quan nghiên cứu từng nêu ra cũng không hoàn toàn giống nhau, nhưng xét chung, quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế,

Trong thực tế ở Việt Nam, bên cạnh thuật ngữ “quyền con người”, có một thuật ngữ khác cũng được sử dụng, đó là "nhân quyền”. Cả hai thuật ngữ này đều bắt nguồn từ thuật ngữ human rights. Từ human rights trong tiếng Anh có thể được dịch là quyền con người (thuần Việt) hoặc nhân quyền (Hán - Việt). Theo Đại Từ điển Tiếng Việt, “nhân quyền” chính là “quyền con người”. 

Như vậy, xét về mặt ngôn ngữ học, quyền con người và nhân quyền là hai từ đồng nghĩa, do đó, hoàn toàn có thể sử dụng cả hai từ này trong nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động thực tiễn về nhân quyền.