Việt Nam hợp tác song phương về quyền con người

Trên tinh thần hợp tác, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau, Việt Nam luôn tỏ thiện chí và sẵn sàng hợp tác, đối thoại song phương với các nước trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền mặc dù quan điểm của Việt Nam và các nước liên quan còn có sự khác biệt. Với cách tiếp cận xây dựng, Việt Nam sẵn sàng cung cấp thông tin cập nhật, khách quan cho các nước hiểu rõ và chính xác về tình hình quyền con người tại Việt Nam, đáp ứng và tạo điều kiện cho đại diện của nhiều nước được tham gia thực địa đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị tại Việt Nam.

Điểm nhấn quan trọng trong hợp tác song phương về quyền con người chính là việc Việt Nam thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về quyền con người với một số nước và đối tác như Hoa Kỳ, EU, Úc, Na Uy, Thụy Sỹ. Cụ thể: Việt Nam đã tiến hành 20 vòng đối thoại với Hoa Kỳ (1994-2016), 12 vòng đối thoại với Na Uy (2001-2015), 12 vòng đối thoại với Úc (2002-2015), 14 vòng đối thoại với EU  (2002-2015), và 13 vòng đối thoại với Thụy Sỹ (2005-2015). Việt Nam và các nước nêu trên đều coi trọng và đánh giá cao đối thoại về quyền con người. 

Các cơ chế đối thoại diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng, có nội dung thực chất và đã phát huy kết quả tích cực, thu hẹp khác biệt, không chỉ góp phần tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác, mà còn là kênh trao đổi các kinh nghiệm tốt nhất của mỗi bên và giải quyết được nhiều vấn đề quyền con người hai bên cùng quan tâm. 


Ảnh minh họa.

Việt Nam đã và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ hiệu quả, thiết thực của các nước/đối tác thông qua hợp tác kỹ thuật về quyền con người và trong nhiều lĩnh vực liên quan như: cải cách tư pháp, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương… Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của các nước/đối tác quốc tế; những hỗ trợ này đã góp phần cùng những nỗ lực nội tại của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người:

1. Trong việc triển khai Chương trình 135 giai đoạn 2006-2010 về phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các đối tác nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (160,6 triệu đô la Mỹ), Cơ quan viện trợ phát triển Úc (18 triệu đô la Úc), Cơ quan viện trợ phát triển Ai-len (30 triệu Euro), Phần Lan (27 triệu đô la Mỹ), Bộ Phát triển Vương quốc Anh (31 triệu đô la Mỹ), Liên minh châu Âu (12 triệu Euro).

2. Từ năm 2006, Úc và Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chương trình hợp tác kỹ thuật về quyền con người giữa các cơ quan Việt Nam và Úc nhằm hỗ trợ cơ chế đối thoại về quyền con người. Trong giai đoạn 2013-2014, Úc tài trợ 159,1 triệu đô la Úc dưới hình thức hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với một số lĩnh vực ưu tiên như phát triển nguồn nhân lực, nâng cao sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ cải cách kinh tế.

3. Na Uy đang phối hợp với Việt Nam thực hiện Thỏa thuận khung hợp tác về nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới giai đoạn 2010-2014. Trong giai đoạn 2012-2014, Na Uy hỗ trợ Việt Nam 175.650 NOK (tương đương 26.537 đô la Mỹ) cho việc xây dựng Kế hoạch hành động triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Quyền Trẻ em. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Chương trình Việt Nam của Trung tâm Nhân quyền Na Uy (thuộc Đại học Tổng hợp Oslo), Na Uy hỗ trợ Việt Nam các chương trình/dự án kỹ thuật như Chương trình đào tạo ngắn hạn và đào tạo Thạc sỹ về nhân quyền tại Na Uy, Chương trình đào tạo Thạc sỹ về quyền con người tại Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức các hội thảo về các lĩnh vực quyền con người…

4. Trong khuôn khổ các Chương trình hợp tác về tư pháp và pháp luật giai đoạn 1 (2009-2011) và giai đoạn 2 (2012-2014), Chương trình Đối thoại về nhà nước pháp quyền, Đức đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện các luật liên quan đến người lao động, công đoàn, tổ chức các hội thảo trao đổi kinh nghiệm về bảo đảm quyền con người, chống bạo lực gia đình…

5. Từ năm 2000, Tây Ban Nha đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện nhiều dự án trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao năng lực phụ nữ tham gia lãnh đạo - quản lý, nâng cao năng lực thực hiện pháp luật về bình đẳng giới…

6. Thụy Điển, Thụy Sỹ và Canada hợp tác với Viện Nghiên cứu Quyền con người thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh của Việt Nam về đào tạo luật quốc tế về quyền con người, luật nhân đạo. Ngoài ra, Viện này còn hợp tác với nhiều đối tác khác như với Đan Mạch xuất bản sách về vị thành niên; với Úc nâng cao trình độ cán bộ giảng dạy về luật quốc tế; Hội Chữ Thập đỏ quốc tế về luật quốc tế về nhân đạo; và trao đổi kinh nghiệm về truyền thống quyền con người, đào tạo với Trung Quốc và Lào.

7. Các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng có nhiều đóng góp, hỗ trợ không nhỏ trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam.

Từ năm 2006 đến nay, trong khuôn khổ Sáng kiến Thống nhất Hành động, các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam đã và đang hợp tác với các cơ quan của Việt Nam triển khai Kế hoạch chung giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2012-2016 với tổng ngân sách gần 884 triệu đô la Mỹ, bao gồm nhiều chương trình/dự án quan trọng về tăng cường năng lực thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền, tư vấn chính sách phát triển, phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, việc làm, cải cách pháp luật và tư pháp…

BBT