Việt Nam hợp tác với các cơ chế của Liên Hợp Quốc về quyền con người
Việt Nam đã là thành viên của Ủy ban Nhân quyền (nhiệm kỳ 2001-2003), Ủy ban Phát triển Xã hội (nhiệm kỳ 2002-2004 và 2012-2014), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Bảo an (2008-2009), Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015 – 2019).
Tại các diễn đàn Liên hợp quốc, Việt Nam luôn đề cao quan điểm và lập trường tích cực; thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng trong vấn đề quyền con người. Việt Nam đã tham gia đóng góp và đồng tác giả nhiều dự thảo nghị quyết về thúc đẩy việc thực hiện các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội, đặc biệt là các dự thảo nghị quyết liên quan đến quyền trẻ em, quyền phụ nữ, vấn đề giáo dục, phòng chống ma tuý, tội phạm…
Trong năm 2008 và 2009, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, Việt Nam chủ trì và thúc đẩy hai sáng kiến quan trọng là Tuyên bố Chủ tịch về “Trẻ em và xung đột vũ trang” và Nghị quyết 1889 về “Phụ nữ và hòa bình, an ninh”. Việt Nam là một trong ba nước đang phát triển đã đưa dự thảo điều khoản qui định về “Hợp tác quốc tế” vào thành một điều khoản chính trong nội dung dự thảo Công ước về Quyền của Người khuyết tật, làm cơ sở để các nước đang phát triển thảo luận và soạn thảo Công ước nêu trên.
Việt Nam đang là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng Nhân quyền, góp phần vào việc củng cố vai trò của Hội đồng Nhân quyền như một cơ chế quan trọng nhất của Liên hợp quốc trong việc xử lý các vấn đề về quyền con người.
Ảnh minh hoạ
Việt Nam coi trọng hợp tác với Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền, coi đây là cơ chế hiệu quả để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, qua đó thúc đẩy và bảo đảm tốt hơn các quyền con người.
Đến nay, Việt Nam đã trình bày và đối thoại thành công các Báo cáo Quốc gia theo UPR chu kỳ I (2009) và II (2014). Các khuyến nghị mà Việt Nam chấp nhận tại phiên rà soát UPR chu kỳ I đã và đang được thực hiện nghiêm túc và tích cực, thể hiện sinh động trên tất cả các mặt đời sống xã hội, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, chính sách về quyền con người, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, bảo đảm các quyền tự do cơ bản của người dân, bảo đảmquyền của các nhóm dễ bị tổn thương…
Việt Nam đã nghiêm túc chấp nhận 182/227 khuyến nghị tại phiên ra soát UPR chu kỳ II và hiện đang tích cực triển khai thực hiện toàn diện các khuyến nghị đã chấp thuận. Ngày 23/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2057/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo cơ chế UPR chu kỳ II.
Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã đón 6 Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền, gồm Chuyên gia độc lập về các vấn đề thiểu số (tháng 7/2010), Chuyên gia độc lập về đói nghèo cùng cực và nhân quyền (tháng 8/2010), Chuyên gia độc lập về nợ nước ngoài (tháng 3/2011), Báo cáo viên đặc biệt về quyền được hưởng thụ những tiêu chuẩn cao nhất có thể về y tế (tháng 12/2011), Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa (tháng 11/2013) và Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng (tháng 7/2014). Việt Nam đã mời Báo cáo viên đặc biệt về quyền lương thực thăm Việt Nam trong năm 2016 hoặc 2017. Việt Nam đã gửi lời mời chính thức tới Báo cáo viên đặc biệt về quyền giáo dục và đang xem xét mời một số Thủ tục đặc biệt khác trong thời gian sớm nhất.
BBT
Danh sách bình luận (0)