Tạo môi trường di cư an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam

Ngày 25-26/6, tại Hòa Bình, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức khóa tập huấn về di cư an toàn và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Toàn cảnh buổi Tập huấn về Di cư an toàn, ngày 25/6 tại Hòa Bình. (Ảnh: Tuấn Việt)

Tham dự khóa tập huấn có khoảng 60 đại biểu đến từ các Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, đại diện các sở, ngành của 18 địa phương miền Bắc và miền Trung, IOM. Một số Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tham dự theo hình thức trực tuyến.

Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang nhấn mạnh, trong bối cảnh di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài tăng trở lại sau đại dịch Covid-19, cần đánh giá chính xác tình hình di cư, xu hướng của di cư và giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trong quản lý di cư quốc tế, trong đó có vấn đề lừa đảo làm việc tại các cơ sở lừa đảo trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á.

Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang phát biểu tại buổi tập huấn. (Ảnh: Tuấn Việt)

Chính vì vậy, khóa tập huấn lần này không chỉ cung cấp thông tin cập nhật, những đánh giá, phân tích về tình hình di cư, công tác bảo hộ công dân mà còn góp phần tăng cường kết nối, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương cũng như với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tạo môi trường di cư an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài.

Bà Park Mi-Hyung, Trưởng đại diện Phái đoàn IOM tại Việt Nam cho biết, theo Báo cáo tình hình di cư thế giới năm 2024 của tổ chức này, hiện có 281 triệu người di cư quốc tế trên thế giới, chiếm 3,6% dân số toàn cầu, trong đó khu vực châu Á là nơi xuất phát của hơn 40% người di cư quốc tế.

Theo bà, trong bối cảnh số lượng người di cư quốc tế ngày càng gia tăng, các nhân tố lôi kéo và thúc đẩy di cư ngày càng phức tạp, đa dạng, cùng với tình trạng tội phạm mua bán người nhằm cưỡng ép thực hiện hành vi phạm tội đang diễn biến phức tạp trong khu vực, việc nâng cao nhận thức về di cư an toàn và tăng cường bảo hộ người di cư càng trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

Bà Park Mi-Hyung, Trưởng đại diện Phái đoàn IOM tại Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn. (Ảnh: Tuấn Việt)

Đây là khóa tập huấn thứ hai sau khóa đầu tiên do Cục Lãnh sự phối hợp với IOM tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 8/2023 dành cho các bộ, ngành và hầu hết các tỉnh, thành phố miền Trung. Khóa tập huấn nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi Tập huấn về Di cư an toàn ngày 25/6, các đại biểu được giới thiệu về tình hình di cư quốc tế trên thế giới, tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, tổng quan và định hướng lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thực tiễn điều tra, xử lý các vụ việc công dân được giải cứu khỏi các cơ sở lừa đảo trực tuyến.

Các đại biểu cũng thảo luận các giải pháp để phòng ngừa và bảo hộ công dân Việt Nam trước nguy cơ ngày càng tăng về tuyển dụng để bóc lột lao động tại các cơ sở lừa đảo trực tuyến ở nước ngoài và phương hướng trong thời gian tới nhằm thúc đẩy di cư an toàn.

Trong ngày 26/6, Tập huấn về Bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài cung cấp khung pháp lý quốc về và Việt Nam về công tác bảo hộ công dân, tình hình thực hiện công tác bảo hộ công dân, quy trình chuẩn của MICIC về bảo vệ người di cư trong tình huống khẩn cấp.

Tại sự kiện, các đại biểu cũng thảo luận về xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam di cư và các giải pháp nhằm tăng cường phối hợp liên ngành để bảo hộ công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài trong tình hình hiện nay một cách kịp thời và hiệu quả.

Bà Anny Yip-Ching Yu, chuyên gia của Văn phòng IOM khu vực châu Á-Thái Bình Dương trình bày tham luận: "Tổng quan về di cư quốc tế: Xu hướng toàn cầu và trong khu vực". (Ảnh: Tuấn Việt)

Tham gia trình bày tại hai buổi tập huấn là các chuyên gia của Văn phòng IOM khu vực châu Á-Thái Bình Dương, IOM Việt Nam, Cục Lãnh sự, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, Philippines, Lào, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang (Campuchia), Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc).

Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, bà Park Mi-Hyung, Trưởng đại diện Phái đoàn IOM tại Việt Nam cho biết, hiện nay ở Việt Nam cũng có xu hướng di cư lao động đến nơi người dân có cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập tốt hơn. Ngoài ra, ở mức độ toàn cầu và khu vực, hầu hết những người di cư đều di chuyển trong khu vực của họ.

Bà Park Mi-Hyung nói: "Rất đông người Việt Nam sẽ chọn di chuyển trong khu vực châu Á, cụ thể hơn là Đông Á và các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, người Việt Nam cũng có khát vọng vươn ra toàn cầu, vì vậy, chúng tôi cũng đã ghi nhận thấy người Việt Nam đến Bắc Mỹ và châu Âu".

Trưởng đại diện Phái đoàn IOM tại Việt Nam cũng nói thêm về thực trạng các quốc gia điểm đến đang đối mặt với sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng, nhưng chính sách di cư của các nước này không mở cửa và không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ví dụ, một quốc gia đích đến có thể cần 100 lao động nước ngoài, nhưng cơ hội hợp pháp hiện tại khá hạn chế, chỉ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 30-40 lao động ngoài nước. Vì vậy, nhiều người phải di cư bất hợp pháp, ở lại quá hạn hoặc di cư theo cách không chính thức.

Đánh giá về những nỗ lực và chính sách của Việt Nam để thúc đẩy di cư quốc tế hợp pháp, bà Park Mi-Hyung cho rằng, Việt Nam đã rất tích cực trong việc thúc đẩy di cư an toàn cũng như nỗ lực đối phó nghiêm túc với nạn buôn người.

"Chính phủ Việt Nam đã nghiêm túc đối phó với các vấn đề thách thức và đang thực hiện các nỗ lực đa dạng theo nhiều cách thức khác nhau", Trưởng đại diện Phái đoàn IOM tại Việt Nam khẳng định.

Các đại biểu tham dự khóa tập huấn. (Ảnh: Tuấn Việt)

(baoquocte.vn)